CÔNG ĐỨC HÀNH TRÌ KINH PHÁP HOA

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Chùa Bồ Đề Long Biên
Đức Phật bảo Thường Tinh Tấn Bồ tát “Nếu có người nào thọ trì kinh Pháp Hoa, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh, sẽ được tám trăm công đức của mắt, một ngàn hai trăm công đức của tai, tám trăm công đức của mũi, một ngàn hai trăm công đức của lưỡi, tám trăm công đức của thân, một ngàn hai trăm công đức của ý. Đem công đức này trang nghiêm sáu căn thì sáu căn được thanh tịnh.
1. Nhãn căn công đức: Với đôi mắt thịt do cha mẹ sanh ra, khi được công đức sẽ thấy tất cả cảnh vật trong ba ngàn đại thiên thế giới từ địa ngục A tỳ đến Trời Hữu đảnh, thấy tất cả chúng sanh và nghiệp nhân, nghiệp quả của chúng sanh.
2. Nhĩ căn công đức: Tai cha mẹ sanh ra được công đức rồi, sẽ nghe tất cả những tiếng trong ba ngàn đại thiên thế giới, mà không hư nhĩ căn.
3. Tỷ căn công đức: Mũi của người có công đức sẽ thanh tịnh, nghe và phân biệt được các thứ mùi trong ba ngàn đại thiên thế giới, không lầm lẫn.
4. Thiệt căn công đức: Người trì kinh Pháp Hoa, lưỡi được thanh tịnh. Các thứ ăn uống ngon dở đối với họ, đều biến thành cam lồ. Hoặc họ thuyết pháp, khiến người nghe vui mừng và cảm hóa được cả Thiên long Bát bộ.
Vị Bồ tát này khéo nói pháp, nên được hàng quyền quý cho đến người tầm thường theo hầu hạ cúng dường. Họ cũng được chư Phật, Bồ tát, Thanh văn ưa thích và hộ niệm.
5. Thân căn công đức: Trì kinh Pháp Hoa, thân được trong sạch như ngọc lưu ly, làm cho chúng sanh ưa nhìn. Hình ảnh của chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi, của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật đều hiện rõ trong thân thanh tịnh của Bồ tát.
6. Ý căn công đức: Người trì kinh Pháp Hoa được ý căn thanh tịnh. Họ nghe một bài kệ, một câu kinh liền thông suốt Vô Lượng Nghĩa, hiểu rõ và diễn nói cả tháng, cả năm đều đúng với thật tướng.
Tất cả suy nghĩ, lời nói đều đúng với lời Phật dạy, biết được những hành động, lời nói của sáu đường chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới.
Ba phẩm liên tiếp Phân Biệt Công Đức, Tùy Hỷ Công Đức, Pháp Sư Công Đức, nói về công đức của kinh Pháp Hoa, có thể thu gọn thành ba vấn đề chính yếu là công đức của người nhứt niệm tín giải kinh Pháp Hoa, công đức của người tùy hỷ với kinh và công đức của Pháp sư Pháp Hoa.
Công đức của hành giả Pháp Hoa trong ba phẩm này thật vô lượng vô biên vượt ngoài ngôn ngữ, suy luận, hiểu biết của phàm phu; vì kinh Pháp Hoa diễn nói về Phật thừa, nằm trên Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.
Chúng ta tự xét lại xem mình đang ở chặng đường của Tam thừa hay Phật thừa. Trong kinh Phật dạy có những việc Phật làm, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều không hiểu được, chưa nói đến làm được. Huống chi là phàm phu chúng ta, chắc chắn còn cách xa Phật thừa hay chân lý.
Chân lý do Phật thành Vô thượng Đẳng giác mới thuyết được. Và những người trực tiếp nghe Phật dạy, phiền não tự rơi rụng, trở thành A la hán, dù ở hoàn cảnh nào, thành phần nào.
Nay chúng ta chưa đắc đạo, lại thêm cách Phật quá xa. Việc hiểu kinh của chúng ta dễ rơi vào cục bộ sai lầm, đưa đến đủ thứ khổ não phiền lụy hơn là công đức. Chúng ta lại sanh tâm nghi ngờ về những công đức Phật dạy, cho rằng nó ảo tưởng, không có thực. Có thực hay không còn tùy ở trình độ từng người khác nhau.
Thí dụ như những công trình nghiên cứu và thí nghiệm thành tựu trên không gian của các nhà bác học không thể diễn tả cho những người ở trình độ lạc hậu hiểu được. Họ tự lo ngày hai buổi ăn còn không nổi thì đối với họ, thành quả của các nhà bác học tất nhiên chỉ là hoang đường.
Mở đầu, Phật bảo ngài Thường Tinh Tấn đại Bồ tát rằng nếu có người nào thọ trì kinh Pháp Hoa, hoặc đọc, tụng, giải nói, biên chép, người đó sẽ được sáu ngàn công đức nơi sáu căn.
Có người hiểu lầm thọ trì là tụng cả bộ kinh Pháp Hoa từ năm này sang năm khác. Chỉ tụng suông như vậy, công đức nếu có, cũng rất giới hạn. Thọ nghĩa là nhận, Phật trao và ta nhận. Trì là giữ, ta giữ dùm cho Phật. Nhận giữ trọn vẹn bốn điều là nhân, hạnh, quả, đức của Phật, chúng ta sẽ thành tựu kinh Pháp Hoa.
Hạt nhân của Đức Phật là nhân Bồ đề, nghĩa là tri giác, nhìn thấy sự vật chính xác đúng như thật, không sai lầm. Đức Phật Toàn giác, còn hành giả chỉ có một phần giác ngộ về giáo lý của Ngài.
Người tin tưởng rằng sự hiểu biết của hành giả tương đối chính xác vượt hơn người bình thường, khả dĩ nghe theo được công đức. Đây là khởi điểm của Bồ tát sơ phát tâm đã thọ trì được nhân lành của Phật.
Tiến lên một nấc, hành giả trì hạnh của Phật, tức việc làm của hành giả thay cho Phật, khiến cho người hình dung, liên tưởng đến Phật. Sự nhận thức và việc làm của hành giả đều lợi lạc cho đời.
Thành tựu hai pháp này, hành giả hiện hữu như một đóa sen tinh khiết tỏa hương thơm ngát trong vũng bùn nhơ, thể hiện một hành giả kiểu mẫu thọ trì nhân hạnh kinh Pháp Hoa.
Hành giả thọ trì được nhân hạnh Pháp Hoa, chuyển đổi cuộc sống tầm thường thành cuộc sống Pháp Hoa, đổi tâm niệm tầm thường thành tâm niệm Bồ tát.
Nếu không có sự chuyển đổi như vậy, dù thuyết Pháp Hoa cũng chỉ là Pháp Hoa văn tự của thế gian, không phải là pháp bí yếu của Như Lai.
Sau khi thọ trì nhân hạnh, cao hơn một nấc thọ trì quả đức của kinh Pháp Hoa, tức làm một vị Phật sống trên cuộc đời. Người nhìn thấy liền hết phiền não, phát tâm Bồ đề. Ở giai đoạn này, hành giả thành tựu quả rồi, mới giáo hóa, mà người được giáo hóa cũng không biết.
Ngài Thế Thân gọi giáo hóa trên Quả môn là giáo hóa chúng vô thượng. Đây là trường hợp Đức Phật Thích Ca giáo hóa các Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Hàng Thanh văn, kể cả các Bồ tát du hóa mười phương không biết các Bồ tát này, liền khởi tâm nghi tại sao Ngài vừa thành Phật trong bốn mươi năm lại được công đức như vậy.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT