Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề
Chùa Bồ Đề tọa lạc trên một bãi bồi ven sông Hồng ở ngoài đê bên bờ Bắc phía hạ lưu, gần chân cầu Chương Dương, trước kia thuộc địa bàn thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Xung quanh chùa có rất nhiều di tích khác như đền Ghềnh, đền Chầu, chùa Lâm Du, chùa Ái Mộ.
Chùa Bồ Đề có tên chữ là “Thiên Sơn Tự” hay “Thiên Cổ tự” là một ngôi chùa cổ có lịch sử xây dựng lâu đời. Theo truyền tích ở địa phương, tên nôm của chùa là Bồ Đề đã xuất hiện từ thời Lý, bởi nơi đây có 2 cây Bồ đề lớn đối xứng qua sông Hồng là tháp Báo Thiên ở Kinh thành Thăng Long. Cũng theo sử sách chép lại, khi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt đại bản doanh ở địa điểm có tên là Bồ Đề, việc có phải là Bồ Đề ngày nay hay ở nơi khác còn cần được nghiên cứu thêm. Có một thời gian, ở Bồ Đề lập thành một Trạm dịch nghỉ, có bến đò, là một cảnh đẹp của Thăng Long…Chùa Bồ Đề thời Phật, cúng Mẫu theo giáo phái Đại thừa cũng giống như đại đa số các chùa làng của miền Bắc nước ta.
Căn cứ vào một tấm bia đá cổ của chùa hiện còn giữ được khắc năm Hoằng Định thứ 15 (1614), có thể nói, chùa Bồ Đề ra đời sớm hơn thời điểm này, ít nhất cũng từ thế kỷ XVI để đến đầu thế kỷ XVII có sự trùng tu sửa chữa lại chùa như nội dung bia đã phản ánh. Nội dung bia đá có ghi khá nhiều tư liệu quý góp phần tìm hiểu niên đại cũng như quy mô của ngôi chùa trong lịch sử. Trong bia có nhắc đến cung Bồ Đề: “Đế kinh ư thử đô hội” (tức là Đế Kinh tại triều hội ở chỗ này). Bài văn bia còn miêu tả cảnh sầm uất, trù phú của làng xóm quanh chùa, kể lại quá trình hưng công, tu bổ chùa, ca ngợi ý nghĩa của việc sửa chữa, cũng có miêu tả quy mô chùa sau lần trùng tu.
Chùa Bồ Đề hiện tọa ngự ở một khu đất rộng sát mép nước sông Hồng, xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ, nhiều hơn cả là nhãn, quanh cảnh xanh mát. Tổng thể kiến trúc chùa gồm nhiều công trình như: chùa chính, nhà Tổ, Điện Mẫu, nhà khách, khu mộ tháp, nhà ở, bếp và các công trình phục vụ…Đáng chú ý nhất là chùa chính với kiến trúc có hai phần là Tiền đường và Thượng điện kết cấu liền nhau theo lối chữ Đinh.
Tiền đường có 5 gian 2 chái, có 4 mái làm đao cong các góc, lợp ngói ta, nền lát gạch. Nền chùa làm cao để tránh nước ngập mùa lũ với 11 bậc thềm, cao gần 2m, hai bên thềm có đôi Sấu đá mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Tiền đường kết cấu 6 hàng chân, vì thượng làm giá chiêng, trung kẻ chuyền, hạ là kẻ, riêng gian giữa làm cốn vì trung phía trước, phía sau là ván gió thông liền vào Hậu cung. Hiên bố trí suốt cả trước và hai bên Tiền đường, ở ngoài giáp mái có xây tường hoa lan can chắn, bên trong hiên có cửa dạng bức bàn cả ở trước và hai bên. Toàn bộ Tiền đường có khung bằng gỗ Tứ thiết. Trên nóc Tiền đường có ghi niên đại trùng tu chùa năm Nhâm Dần (1902). Như vậy, có cơ sở để nói chùa giữ kiến trúc Tiền đường của những năm đầu thế kỷ XX. Trên kiến trúc Tiền đường có chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn như: lá cúc, cúc dây, lan đằng ở cốn và các kẻ, các họa tiết có phần giản lược trên kiến trúc gỗ bào trơn, ghép bén, soi gờ.
Thượng điện của chùa làm mái vòm cuốn bê tông, bên ngoài có xây thành 3 lầu gác Chuông, mái làm đao 2 tầng chồng diêm tạo cho kiến trúc bớt nặng nề. Hậu cung đã được sửa lại sau chiến tranh. Tại Tiền đường có các tượng thờ Phật gồm: Đức Ông, Thánh Tăng cùng Diệm Nhiên, Đại sĩ ở Tiền đường. Tam bảo có các tượng: Tam thế, A Di Đà, Văn Thù- Phổ Hiền, Di Đà giảng đạo, A Na Ca Diếp, Ngọc Hoàng, Cửu Long; ở hai bên Tam Bảo có tượng Địa Tạng và Quan Âm. Hầu hết các tượng Phật ở chùa được tạo tác ở thời Nguyễn. Ngoài tượng ở Chùa còn có 5 đôi câu đối gỗ, có cửa võng thiều châu, hoành phi, đây là những cổ vật có trang trí đẹp, mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX.
Phía trước sân chùa có 2 nếp nhà, bên phải là Điện Mẫu, bên trái là Nhà Tổ. Hai nếp nhà này đều làm bê tông giả gỗ, bố cục Hậu cung chuộc duộc, tường hồi bít đốc tay ngai có trụ biểu, nhưng mái lợp ngói di, đã duy trì được dáng vẻ bên ngoài lối kiến trúc cổ truyền. Điện Mẫu và nhà Tổ có tượng Tổ, tượng Mẫu, mới có linh vị của Thượng tọa Thích Tâm Tịch. Trong Nhà Tổ, Điện Mẫu có nhiều di vật như: câu đối, hoành phi, cửa võng thiều châu, khám thờ, được nhân dân cung tiến và nhà chùa khôi phục vào thời gian gần đây. Bên phải của chùa chính là khu nhà khách, nhà học hạ của các sư, các công trình phục vụ sinh hoạt của nhà chùa. Đáng chú ý nhất trong các di vật cổ của chùa có 4 tấm bia đá có niên đại: Hoằng Định thứ 15 (1614), Minh Mệnh thứ 19 (1838), Thành Thái thứ 17 (1905), Khải Định thứ 5 (1920). Ba bia thời Nguyễn ghi tên những người công đức tu sửa, gửi giỗ ký hậu ở chùa. Tấm bia thời Hậu Lê có trang trí hoa văn đẹp và đặc biệt là trong nội dung Bài minh có nhiều tư liệu quý.
Chùa Bồ Đề luôn được chọn là một trụ sở đào tạo, học hành của Thành hội Phật giáo Hà Nội. Chùa là Trung tâm sinh hoạt của Hội Phật giáo và học tập nhiều năm qua. Quang cảnh chùa rất thoáng, mát, rộng đẹp.
Chùa Bồ Đề ra đời, tồn tại đã có sự gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền thống của kinh đô Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, là nơi ghi nhận quá trình xây dựng, phát triển của lịch sử địa phương, các cổ vật trong chùa rất có giá trị. Chùa Bồ Đề đã và đang trở thành một di tích lịch sử văn hóa đẹp trong quần thể các di tích của quận Long Biên.
Tags: Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, Chùa bồ đề, Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, quy mô chùa bồ đề, chùa bồ đề long biên ở đâu, Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, Chùa bồ đề, Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, quy mô chùa bồ đề, chùa bồ đề long biên ở đâu,Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, Chùa bồ đề, Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, quy mô chùa bồ đề, chùa bồ đề long biên ở đâu,Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, Chùa bồ đề, Giới thiệu di tích lịch sử – văn hóa: Chùa Bồ Đề, quy mô chùa bồ đề, chùa bồ đề long biên ở đâu, di tích lịch sử chùa bồ đề long biên hà nội, di tích lịch sử chùa bồ đề long biên hà nội, di tích lịch sử chùa bồ đề long biên hà nội,