Trang chủ Trang nghiêm Lễ Bố tát tại Trường hạ Tổ đình Bồ Đề

Sáng ngày mùng 05 tháng 06 năm 2024 (tức 29/04/Giáp Thìn), Chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng tọa, Ni Trưởng, Ni Sư, Đại Đức Tăng – Ni gồm 128 hành giả an cư tại Trường hạ Tổ đình Bồ Đề (số 90 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã thực hành nghi thức Bố tát theo luật Phật chế nửa tháng một lần.

Chứng minh, tham dự có: Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội; Ngôi Đường Chủ Hạ Trường; Thượng Tọa Thích Thanh Phương- Ủy viên dự khuyết HĐTS, Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ, Chánh Duy na của Trường hạ; Thượng Tọa Thích Quảng Thiện – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Gia Lâm; Thượng Tọa Thích Thanh Trung – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Long Biên; Thượng Tọa Thích Quảng Tiếp – Ủy viên HĐTS, Cán bộ Văn phòng I TƯ… cùng chư tôn Thượng tọa đồng Phó Duy na Tăng tại Trường hạ Bồ Đề.

Về phía Bản bộ Ni chúng có: Ni Trưởng Thích Đàm Lan – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng Ban Ni giới TƯ Đặc trách chư Ni các tỉnh phía Bắc – Trưởng Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Trường hạ, Trụ trì Tổ đình chùa Bồ Đề, Chánh duy Na chư tôn đức Ni tại Trường hạ; cùng chư Tôn đức Ni Phó Duy na bên Bản bộ Ni: Ni Trưởng Thích Đàm Toán, Ni sư Thích Đàm Trí, Ni sư Thích Đàm Hướng, Ni sư Thích Đàm Xuân…

Bố tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên trước khi chư tôn đức Ni ra đỉnh lễ cầu Tăng xin bố tát. Hoà Thượng ngôi Đường chủ Hạ Trường Thích Bảo Nghiêm đã có đôi lời sách tấn chư tôn đức Tăng- Ni trong ba tháng an cư cần giữ gìn uy nghi, trau dồi Tam vô lậu học,…

Hòa Thượng nhấn mạnh: “ Bố tát tiếng Saánkrit là “Posatha”, tiếng Pàli đọc là Uposatha, có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Trung Hoa dịch ý là: “trưởng tịnh, trưởng dưỡng, tăng trưởng, thiện túc, tịnh trụ, trưởng trụ, cận trụ, cộng trụ, đoạn, xả”…Tức ý nói là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp, nó cũng được dịch là hướng với nhau để nói tội, (cử tội), tức trong mỗi nửa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau. Như thế, Bố tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, đệ tử của Phật, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân tuệ mệnh, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp, thanh tịnh chúng. Việc tuân thủ lễ Bố tát phải được tổ chức trong sự thống nhất và hòa hợp không giống như các nghi lễ bình thường. Tuy nhiên, bất kỳ Tỷ-kheo, Tỳ- kheo ni nào trú trong lãnh thổ này nhưng không tham gia được vì bệnh duyên hoặc những Phật sự chính đáng khác thì phải gửi dự dục và người nhận dự dục phải ra trước Đại Tăng trình lên, như vậy mới đúng pháp. Bất cứ trú xứ nào mà các Tỷ-kheo, Tỳ- kheo ni không hòa hợp tụ hội định kỳ nửa tháng làm lễ Bố tát để tụng đọc giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa, thì nơi ấy Tăng đoàn, Ni đoàn được xem như là bị chia rẽ, chưa có sự hòa hợp. Và nếu trú xứ nào mà Tăng chúng- Ni chúng định kỳ nửa tháng hòa hợp tụ hội để Bá tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy hưng thịnh và được xem như có sự hiện diện của Đức Phật. ”Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”. Nghĩa là: “Giới luật còn thì Phật pháp còn, Giới luật mất thì Phật pháp diệt vong”. Do vậy “Bố tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỷ-kheo nào được gọi là Tăng-Ni mà không thực hành Bố tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng-Ni để phá hoại Chính pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất như vậy nên không thể không có Bố tát trong sự sinh hoạt của Tăng đoàn”…tiếp theo chư tôn đức Bản bộ bên Ni ra đỉnh lễ chư tôn Hòa Thượng Đường Chủ, chư tôn Thượng tọa, Đại Đức Tăng cầu xin bố tát thuyết giới…

Sau đây là một số hình ảnh xin ghi nhận được:

 

Góc suy ngẫm

YOUTUBE

Ân lớn trong trời đất không gì hơn được ân cha mẹ. Cha mẹ còn sống là vị Phật đang sống trong nhà. Cha mẹ đã mất vẫn truy báo được. Thử nghĩ xem thân này là từ đâu mà tới, do ai được trưởng thành? Sao chẳng phản bổn tầm nguyên, tận tâm, tận lực kính thờ, vâng thuận. Thậm chí có kẻ kết oán với cha mẹ, chẳng đoái hoài gì đến, chỉ chăm chút vợ con, chẳng hiếu dưỡng cha mẹ. Thậm chí, cha mẹ mắc bịnh cũng chẳng hay, chết cũng chẳng chôn. Hoặc là nói một câu là trả miếng một câu tựa như người dưng. Ðấy đều là những hạng chẳng bằng cầm thú vậy. Than ôi! Người chẳng bằng nổi cầm thú hay sao? Ðáng sợ thay! Những người hiểu biết trong đại chúng đây hãy suy nghĩ lấy.